☘️ Hành trình của những điều mới mẻ được… MỞ ra tại Tổ chức Giáo dục IEG Global
☘️ Hành trình của những điều mới mẻ được… MỞ ra tại Tổ chức Giáo dục IEG Global
Hiếu có tài khoản Facebook, nhưng hầu như không bao giờ lướt newsfeed hay like, thả tim dòng trạng thái của ai. Với Hiếu, Facebook là công cụ để viết ra quan điểm về một vấn đề giáo dục, hoặc đơn giản là một kênh lưu trữ dữ liệu.
Hiếu lý giải, anh chỉ tập trung làm chuyên môn trong ngành giáo dục và sẽ dành hết thời gian cho việc này.
Hiện Nguyễn Chí Hiếu là CEO tại Tổ chức Giáo dục IEG và cũng được biết đến là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, cố vấn cao cấp cho nhiều hệ thống trường phổ thông, cao đẳng, đại học và các tổ chức giáo dục tại Việt Nam. Hiếu cũng tham gia giảng dạy đa môn từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học, đại học và sau đại học. Cùng với đó, anh còn được biết đến với việc giới thiệu và nhân rộng các phương pháp giảng dạy mới. Nhìn lại năm 2019, Nguyễn Chí Hiếu nhẩm tính, đã thực hiện 63 buổi đào tạo cho hơn 2.500 giáo viên, tham gia 46 buổi hội thảo, chia sẻ, đến 20 trường nói chuyện với học sinh/sinh viên, dịch 2 quyển sách và tự viết 1 quyển; bay 92 chuyến, 68 ngày lang thang ung dung tự tại...
Gần đây, Hiếu vừa hoàn thành bản thiết kế dự án vài năm cho 4 tổ chức giáo dục, tìm giải pháp cho nơi muốn “lột xác” toàn bộ chương trình học, chỗ cần nhào nặn năng lực của giáo viên; nơi tái cấu trúc mô hình trường học phổ thông, chỗ muốn xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng đại học...
Điều quan trọng nhất, Hiếu thấy không cô đơn trên con đường đang đi và rất đáng để bước tiếp.
“Hy vọng tha thiết của tôi là một ngày nào đó, việc đạt những điểm số cao nhất trong các kỳ thi để so sánh lũ trẻ với nhau sẽ không còn là nỗi bận tâm, ám ảnh của những người làm chính sách, truyền thông báo chí, người làm giáo dục, thầy cô và bố mẹ nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ cùng hạnh phúc chia sẻ sự đam mê trong việc trang bị cho khối óc tự nhiên của lũ trẻ những công cụ để chúng khai phá tri thức theo bản năng tự nhiên”, CEO của IEG tâm đắc về nội dung trong một quyển sách và cho biết, hiện đang xây dựng đội ngũ kế thừa theo hướng này, đủ sức chèo lái con thuyền này đi đến ngọn hải đăng, dù có bất cứ sự thay đổi nào trong tổ chức.
“Tôi là người rất thích và hay quan sát. Trật tự sắp xếp ly chén hay một việc xảy ra, tôi đều nghĩ về nó. Tại sao người đó nói năng như vậy, người kia lại hành xử như thế. Từ từ, độ nhạy cảm với con người, với sự vật, sự việc sẽ tăng lên”, Hiếu như mô tả về một cuộc sống trầm tư kết hợp với hành động khi được rèn giũa từ nhỏ đến việc lập thói quen từ các công việc làm thêm khi còn học ở nước ngoài, hay trong các chuyến du lịch bụi nhiều trải nghiệm.
Thế nên, giáo dục với Hiếu như trồng cây, sẽ không thể chờ đợi sự hoàn hảo tuyệt đối. Trong mỗi cây, đều có sâu, mọt và phải sống chung với nắng mưa, bão lũ. Người làm giáo dục cần và phải dạy cho con trẻ thành tài và thành nhân trong cuộc sống thực với vô vàn thách thức, chứ không thể chăm chăm bấu víu hay nhặt điểm số, giải thưởng, huy chương...
Đến giờ, Hiếu vẫn chưa phải một người hoàn hảo…
Năm 2012, Hiếu bất chấp sự phản đối của mọi người khi chọn đường về nước sau 10 năm du học, bỏ lại sau lưng lời mời cho vị trí lương cao hàng trăm ngàn USD tại Mỹ... Để rồi, 3 năm sau, vào năm 2015, Hiếu lại một lần nữa chọn rời công việc đang lên “đỉnh” và theo học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Oxford (Anh), dù đã có bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Stanford (Mỹ).
Nguyên do, Hiểu kể, anh cảm thấy ngột ngạt trong cuộc sống hiện tại, với quá nhiều mối quan hệ xã hội xã giao, nhưng lại khó tìm một vài người chân thành. Ở tuổi 30, chính Hiếu cũng không biết bản thân muốn làm gì trong sự nghiệp của chính mình.
Ngày đến Đại học Oxford, Hiếu như một bình gốm rất đẹp với học vị tiến sỹ, từng có công việc ổn định, được nhiều người biết đến, nhưng ngày đầu, Hiếu đã tự tay đập vỡ nó thành hàng triệu mảnh.
“Mỗi ngày ở thế giới cổ tích 800 năm tuổi ấy đã giúp tôi biết cách cúi xuống, nhặt lên mảnh vỡ nào phù hợp với bản thân nhất”, Hiếu hồi tưởng rồi ước lượng, đến ngày cuối, khi tốt nghiệp Oxford, trong hàng triệu mảnh gốm đã vỡ vụn, hơn một ngàn mảnh được anh nhặt lại. Đó mới chính là những mảnh ghép thật sự thuộc về và tạo nên một Nguyễn Chí Hiếu - lạc quan hướng đến những điều tích cực, không để tư tưởng xã hội áp đặt lên bản thân mình rồi phải gồng gánh tất cả áp lực ấy.
Quan điểm về hạnh phúc hay thành công của Hiếu hiện giờ rất khác với trước đây hoặc khác với rất nhiều người đang cân định.
Hiếu vẫn hạnh phúc khi thường ăn sáng gói xôi hay ổ bánh mỳ 10.000 đồng mua ở quán gần nhà đang thuê; hạnh phúc khi nhìn thấy những đứa trẻ trong trẻo, không vụ lợi, yêu thích thầy cô và phát triển tốt đẹp mỗi ngày.
Hiếu cũng hạnh phúc khi được chứng kiến một học trò từ 3 tháng trước còn thiếu kiên nhẫn, nay có thể miệt mài giải toán hay một bạn trẻ năm trước còn suy nghĩ hời hợt thì nay đã bắt đầu hỏi những câu trăn trở về mọi thứ xung quanh.
“Hãy trân trọng sự đổ vỡ trong cuộc sống. Chăm chút cho cuộc sống như một chiếc bình hoàn hảo thì chỉ mãi làm khó cho chính mình”, Hiếu chia sẻ.
TS. Nguyễn Chí Hiếu từng đoạt học bổng toàn phần A-level của Trường Cambridge Tutors College (Anh) năm 2002; là sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004; là một trong 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006...
Anh cũng 5 lần đoạt giải thưởng dành cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc tại Đại học Stanford; là thủ khoa chương trình MBA, Đại học Oxford năm 2016.
Nguyễn Chí Hiếu cũng là người nhỏ tuổi nhất của Chương trình Eisenhower Fellowship năm 2018.
[IEG GLOBAL] ĐIỀU GÌ TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT?